Tiếu Ngạo Giang Hồ: bộ kiếm hiệp kinh điển phải xem

"Giang hồ tranh đấu mấy xuân thu/kẻ đến kẻ đi đều là khách"
tiếu ngạo giang hồ

Trong số những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung thì theo tôi nghĩ Tiếu Ngạo Giang Hồ thể hiện đầy đủ nhất một thế giới kiếm hiệp có đầy đủ sắc thái nhất: tình nghĩa, ân oán, tranh đấu, sự hiểm ác, cùng với đó là mốt tình tuyệt đẹp của Lệnh Hồ Xung và Nhậm Giáo Chủ qua vai diễn không thể xuất sắc hơn của Hứa Tình.

Những điều làm nên một tuyệt phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ

Một trong những cảnh quay khiến tôi xúc động nhất là cảnh Doanh Doanh hát khúc Hữu Sở Tư tiễn Lệnh Hồ Xung đi Phúc Kiến. Một bên là thuyền nhỏ trôi giữa sông nước mênh mang, một bên là đình vắng chìm lấp giữa đồng cỏ lau xào xạc gió chiều. Xung quanh Lệnh Hồ Xung khi ấy có biết bao nhiêu người, lại còn là sư phụ, sư nương, đồng môn sư huynh đệ, nhưng trong lòng anh lại cô đơn khôn xiết. Biển người mênh mông, tri kỷ khó tìm, tri âm khôn gặp.

tiếu ngạo giang hồ

Trong phim, không ít lần Doanh Doanh hát khúc hát đó, nhưng Hữu Sở Tư chưa bao giờ vang lên đầy da diết và cứa tận tâm gan người nghe, người xem như ở phân cảnh đó. Tôi thích dáng đứng của Lý Á Bằng khi đó, thẫn thờ và tịch liêu, thể hiện được một nội tâm phức tạp và mâu thuẫn của Lệnh Hồ Xung; cũng như ánh mắt anh, đau đáu và khoắc khoải, khiến ta hoàn toàn cảm nhận được nỗi đơn côi và khao khát được trải lòng với người bên cạnh. Đó là một cảnh quay đẹp và hơn hết là giàu cảm xúc, gợi được rất rất nhiều điều cho người xem. Không cần bất cứ lời giã từ sướt mướt hay đưa tiễn bịn rịn nào, tự người xem đã cảm nhận được khoảng thời gian ngắn ngủi ở Ngõ Lục Trúc chiếm một vị trí quan trọng thế nào trong lòng hai nhân vật. Cũng vì thế mà khúc Hữu Sở Tư khi đó, dù vạn người đều nghe thì nó vẫn chỉ thuộc về và thật sự đi vào lòng hai người họ mà thôi.

Quay ngược về những tập phim trước đó thì cánh đồng hoa cải vàng cũng khiến tôi thích thú bởi vẻ đẹp đầy chất thơ và tính biểu cảm do nó mang lại khi lên phim. Đầu tiên là cảnh Nghi Lâm cõng Lệnh Hồ Xung chạy mãi chạy mãi cho đến khi gục xuống và để lạc mất anh. Sau nữa là cảnh Nghi Lâm quỳ giữa đồng hoa thổ lộ cùng Bồ Tát tâm tư lạ lùng trong lòng mình. Sau cùng là một cảnh rất nhiều cảm xúc khi chàng lãng tử bạc hạnh của chúng ta lần đầu tiên buông bỏ mọi phiền muộn của bản thân, thả mình nằm giữa đồng hoa, đối mặt với trời cao lồng lộng.

Chỉ một địa điểm nhưng hai cảnh quay lại mang đến ý nghĩa hoàn toàn khác nhau dù vẫn có điểm tương đồng khi đều vận dụng thủ pháp mượn cảnh tả tình.

Ở Nghi Lâm là lòng rối như tơ vò, lạc bước giữa đồng hoa cũng chính là lạc bước giữa lòng mình.

Ở Lệnh Hồ Xung lại là một sự chơ vơ và lạc lõng cùng cực. Có cái gì đó rất bất lực và phó mặc bản thân cho cuộc đời trong tư thế nằm khi ấy của anh. Thêm vào đó, là góc quay xoáy chậm từ thấp lên cao dần và sắc vàng đến nhức nhối của đồng hoa đã khiến cho cảnh quay ấy đậm chất say như ngây, ngây như say. Và tôi, phải nói rằng mình vô cùng thích nó.

Những cảnh quay xung quanh nhân vật Đông Phương Bất Bại sau này về tính thẩm mỹ không hề thua kém, thậm chí có phần vượt trội do cách phối hợp màu sắc và bối cảnh, song về tính ‘hư ảo’ thì không sánh bằng cảnh ở đồng hoa, và về độ ‘biểu cảm’ thì không khơi gợi được nhiều như cảnh chia tay trên sông. Tuy vậy, tôi khá thích sự bi tráng của nó cũng như cách diễn của nhân vật ĐPBB và một trường đoạn dài chỉ diễn bằng ánh mắt của Lý Á Bằng khi anh chứng kiến cảnh ĐPBB trút hơi thở cuối cùng bên cạnh Dương Đình Liên. Tự mỗi người xem sẽ có suy nghĩ của riêng mình nhưng với tôi, cảnh đó ngoài đẹp và buồn còn mang lại một sự suy ngẫm về thân phận con người và giá trị lớn lao do yêu thương mang lại.

Cảnh Nhạc Linh San qua đời cũng mang đến một nỗi hoài cảm khác, chủ yếu do tâm tư quá phức tạp và đa chiều của những nhân vật có mặt trong cảnh quay này. Từ sự bất ngờ xen chút đề phòng của Lao Đức Nặc, sự hả hê thoáng chút chột dạ của Lâm Bình Chi, sự ngỡ ngàng đến bàng hoàng của Linh San, sự đau đớn đến thống khổ của Lệnh Hồ Xung, và sự thương xót lẫn bao dung của Doanh Doanh. Tôi nghĩ Miêu Ất Ất diễn khá hơn hẳn trong những phân đoạn sau lễ thành thân. Đến cuối cùng, cũng thấy cô đáng thương nhiều hơn đáng trách. Về tình yêu của Nhạc Linh San, nếu có thể, sẽ nói nhiều hơn vào một dịp khác.

Bên cạnh những cảnh đượm buồn, tập trung chủ yếu vào cảnh, nhạc và lối diễn xuất thiên về nội tâm, những đại cảnh mang nhiều màu sắc và cung bậc cảm xúc của phim cũng được chăm chút khá kỹ lưỡng. Đơn cử như cảnh Thông Nguyên Cốc và hàng hàng lớp lớp tà ma ngoại đạo khác ở Ngũ Bá Sơn thiết tiệc đãi Lệnh Hồ Xung nhằm chúc mừng nhân duyên của anh với Thánh Cô. Tôi yêu làm sao cái cách bọn họ hết chuốc rượu lại nhồi thuốc cho đến khi Lệnh Hồ thiếu hiệp nhà ta thân tàn ma dại mới thôi. Tôi yêu làm sao cái sự nhát gan thỏ đế nhưng lại thích nịnh nọt lấy lòng rồi lại co giò chạy ngay khi nghe tin Thánh Cô xuất hiện của bọn họ. Khó mà không bật cười khi xem đoạn Đào Cốc Lục Tiên tranh nhau cái danh “tuấn tú bất phàm”, khó mà không thích thú khi ở đâu bỗng nhiên xuất hiện một vị Tổ Thiên Thu tiên sinh với bộ sưu tập 9 món chén uống rượu cực kỳ quý giá cùng một bồ kiến thức về rượu, khó mà không khoái trá thầm trong lòng khi trước mặt phái Hoa Sơn đang nghi kỵ, khinh khi đủ điều hết người này đến người khác đem lễ vật đến tặng và một câu “Lệnh Hồ thiếu hiệp”, hai câu cũng là “Lệnh Hồ thiếu hiệp”.

Đại cảnh thứ hai cũng rình rang không kém, hài nhưng không kịch là khi đoàn người rồng rắn, cờ xí đủ màu, trống chiêng chập cheng, kéo lên Thiếu Lâm Tự nghênh tiếp Thánh Cô. Vui nhất phải kể đến khi cả bọn bị vây chặt trên núi Thiếu Thất, rồi nhờ Lục Tiên mà tình cờ tìm ra đường hầm thông xuống núi. Thoát hiểm rồi, lại còn đồng thanh hô to ba lần: “Bọn ta đã xuống núi rồi!” Cứ nhìn bộ mặt cố gắng nín nhịn khi đó của Tả minh chủ là lại thấy lo lắng cho đường tiêu hóa của ngài, ha ha.

Nhậm doanh doanh

Cảnh Lệnh Hồ Xung nhậm chức chưởng môn phái Hằng Sơn cũng rất hấp dẫn. Thấy được sự xảo trá của Dương Đình Liên và cái tình của Doanh Doanh. Cảnh Ngũ Nhạc phái tỷ võ chọn người đứng đầu được dựng hay hơn tôi nghĩ. Chỉ có điều, từ cảnh đó về sau, những đại cảnh cần quy mô hoành tráng khác đều tệ đi hẳn. Nhiều lúc nhìn đám quân lèo tèo, mặt mày non choẹt của Nhạc chưởng môn mà thấy nản. Ngũ Nhạc Kiếm phái hợp nhất mà lực lượng chưa xứng so ngang với một phái lúc trước, vô tình khiến cho sự chăm chút kỹ lưỡng của trường đoạn tranh giành chức chưởng môn trước đó trở nên uổng phí.

Nhậm giáo chủ

Hứa Tình có lẽ là vai Nhậm Doanh Doanh xuất sắc nhất từ trước đến nay.

Bản hòa tấu của phim đưa phim lên hàng tuyệt tác

Một trong những điều tôi ấn tượng nhất chính là bản hòa tấu cầm tiêu Tiếu Ngạo Giang Hồ của Khúc Dương và Lưu Chính Phong trong phim. Có thể nó không được hay như bạn mong đợi, hoặc không hay bằng những bản hòa tấu cầm tiêu trong các bản phim Tiếu Ngạo khác bạn từng xem, nhưng không thể phủ nhận rằng: nó rất vừa vặn và phù hợp với bản phim 2001 này. Âm hưởng không bao la bát ngát như trời xanh biển rộng, tiết tấu cũng không khoan thai phóng khoáng như gió cuốn mây bay, và dường như nó sẽ khiến bất cứ ai – những người đã quá trông chờ và có sự liên tưởng ngay từ cái nhan đề Tiếu Ngạo Giang Hồ cảm thấy thất vọng ngay lần đầu tiên nghe thấy. Thật sự, nó vẫn là một tiếng cười đấy, nhưng quá ý nhị và kín đáo đến mức không thể nghe ra được và cảm thấy ngay trong lần đầu tiên cũng như bằng một cách trực tiếp nhất.

Cá nhân tôi nghĩ, Tiếu Ngạo Giang Hồ ở bản phim này mang tinh thần của hai người soạn ra nó hơn là tinh thần của cả bộ phim. Giữa một giang hồ tranh đoạt liên miên, chém giết chẳng ngừng, chỉ việc “Rửa tay chậu vàng” của một Lưu Chính Phong của Bắc nhạc Hành sơn thôi đã gây ra một trường máu đổ. Giữa một giang hồ gió tanh mưa máu như thế, ước vọng của hai vị Khúc-Lưu đó lại đơn sơ và giản dị biết bao: tìm một nơi non xanh nước thẫm nào đó để sống quãng đời còn lại một cách thật thanh nhàn, tiêu dao, ngày ngày cùng nghiên cứu âm luật, cầm tiêu hòa tấu.