VỊ LINH MỤC VÀ LÍ THUYẾT NGUYÊN TỬ

Cha Roger Boscovich (1711-1787), dòng Tên, là người đầu tiên sử dụng ngôn ngữ khoa học hiện đại để mô tả lí thuyết nguyên tử, với lập luận cho rằng vật chất được cấu thành từ những đơn vị rời rạc gọi là nguyên tử.

Cha Roger Boscovich (1711-1787), dòng Tên, là người đầu tiên sử dụng ngôn ngữ khoa học hiện đại để mô tả lí thuyết nguyên tử, với lập luận cho rằng vật chất được cấu thành từ những đơn vị rời rạc gọi là nguyên tử.

Cha Roger Boscovich là nhà vật lý học, thiên văn học, toán học và nhà ngoại giao người Cộng hòa Ragusa. Ngoài thuyết nguyên tử, cha đóng góp rất lớn vào ngành thiên văn học. Trong đó, cha là người đầu tiên nghĩ ra quy trình đo đạc đường xích đạo của một hành tinh đang xoay bằng việc 3 lần quan sát một đặc điểm của bề mặt hành tinh, đồng thời tính toán quỹ đạo của một hành tinh từ việc quan sát vị trí của nó trong 3 lần. Năm 1753, ngài là người phát hiện rằng mặt Trăng thiếu khí quyển.

Cha cũng có một đóng góp rất quan trọng với Vatican là phát hiện vết nứt trên mái vòm của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô và tìm ra cách ổn định cấu trúc này.

GIA ĐÌNH NHIỀU ƠN GỌI

Cha Boscovich sinh ngày 18.5.1711 tại Ragusa (hiện là Dubrovnik) thuộc CH Ragusa (nay là một phần của Croatia) trong một gia đình 8 người con. Chị cả của ngài là người con duy nhất trong các anh chị em lập gia đình. Có đến 4 trong số 8 người con trong gia đình này theo ơn gọi và trở thành nữ tu, linh mục của các dòng tu. Ở tuổi lên 8 hoặc 9, cậu bé Roger Boscovich được gia đình gởi đến trường của dòng Tên ở địa phương, và nhanh chóng thể hiện năng lực học tập hơn người. Cậu nổi tiếng vì trí nhớ tốt và khả năng tư duy sâu sắc.

Ngày 16.9.1725, cậu thiếu niên Boscovich rời Dubrovnik đến Rome và trong thời gian này được các linh mục dòng Tên chăm sóc, dạy dỗ. Đến năm 1731, chàng trai trẻ gia nhập dòng và theo học tại trường Sant’ Andrea delle Fratte. Tại đây, thầy Boscovich đặc biệt thích học toán và vật lý và học giỏi đến mức vào năm 1740 đã được giữ lại trường trên vai trò giáo sư toán học. Cùng năm này, vị tu sĩ được truyền chức linh mục. Trước khi giữ cương vị giáo sư, ngài đã nổi tiếng vì tìm được cách đo đạc chu vi của đường xích đạo Mặt trời, và xác định các giai đoạn của vòng xoay bằng việc quan sát những điểm cụ thể trên bề mặt của ngôi sao trung tâm của chúng ta.

Ngoài thời gian dạy toán, vị Giêsu hữu còn nghiên cứu những lĩnh vực khác của khoa học và viết nhiều luận văn khác nhau ở số lượng đáng nể. Trong số những đề tài mà ngài viết là sự kiện sao Thủy đi ngang qua Mặt trời, hiện tượng cực quang, các thông số của Trái đất, sự quan sát các ngôi sao dường như có vị trí cố định trên bầu trời Trái đất, sự chênh lệch của lực hấp dẫn của hành tinh ngoài địa cầu, ứng dụng của toán học đối với lý thuyết về kính viễn vọng, giới hạn của những quan sát thiên văn học, lý thuyết về sao chổi, hiện tượng thủy triều…

Năm 1742, cha Boscovich cùng với những nhà khoa học khác đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV hỏi ý kiến về những phương pháp tốt nhất nhằm ổn định mái vòm của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Cha đề xuất đặt 5 thanh sắt theo hướng đồng tâm, và đề xuất này được chọn.

THUYẾT NGUYÊN TỬ

Năm 1745, cha Boscovich công bố ấn bản nghiên cứu khoa học với tựa đề De Viribus Vivis (Lực sống động – thuật ngữ thời xưa, liên quan đến động năng). Trong nghiên cứu này, cha muốn tìm ra điểm trung hòa giữa lý thuyết lực hấp dẫn của Isaac Newton và thuyết các điểm đơn nguyên (phần tử nhỏ nhất cấu tạo vật chất) theo lập luận của nhà khoa học Gottfried Leibniz. Thế là cha Boscovich phát triển khái niệm về tính “không thể chia cắt” như là đặc điểm của các vật thể rắn, theo đó giải thích hành vi của chúng dựa trên lực tương tác hơn là vật chất.

Năm 1758, vị linh mục đưa ra mô tả mạch lạc đầu tiên về thuyết nguyên tử trong công trình nghiên cứu Theoria Philosophiae Naturalis (Lý thuyết về Triết lý Tự nhiên). Đây được xem là một trong những nỗ lực vĩ đại đầu tiên nhằm tìm hiểu cấu trúc vũ trụ theo một ý tưởng duy nhất. Cha Boscovich cho rằng vật chất không thể cấu tạo từ những dạng vật chất tiếp nối nhau không dứt, mà từ vô vàn các cấu trúc giống như điểm. Trong nghiên cứu này, đơn vị cuối cùng của vật chất là các điểm không thể phân chia được, gọi là nguyên tử. Trong đó nguyên tử là trung tâm của các lực và lực này thay đổi tùy thuộc vào khoảng cách. Điều ấn tượng là công trình của ngài ra đời sớm hơn một thế kỷ so với thời điểm công bố thuyết nguyên tử hiện đại.

Trước khi trở thành giáo sư và được truyền chức linh mục, cha Boscovich đã xuất bản tổng cộng 8 luận án khoa học. Sau đó, cha hoàn thành 14 luận án khác. Bên cạnh đó, cha còn chứng minh năng lực ngoại giao tài ba. Năm 1760, cha được cử làm sứ giả đến London nhằm thuyết phục chính phủ Anh thời đó tin rằng CH Ragusa vẫn duy trì tính trung lập. Điều này do người Anh nghi ngờ sự hiện diện của các tàu chiến ở Dubrovnik là nhằm phục vụ cho nước Pháp, vi phạm tính trung lập của nước này. Nhờ cha Boscovich, hiểu lầm đã được giải tỏa. Và trong thời gian thực hiện sứ mệnh ngoại giao ở London, ngài trở thành thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Anh danh giá. Vị Giêsu hữu cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ngoài ra, cha Biscovich là người thiết kế Đài thiên văn Brera ở Ý và thực hiện nhiều quan sát về nhật thực. Vào những ngày cuối đời, ngài ở Milan và sau khi mất được an táng tại nhà thờ Thánh Maria Podone.