BA ĐỊNH LUẬT KEPLER RA ĐỜI NHẰM MINH CHỨNG CHO SỰ SÁNG TẠO CỦA THIÊN CHÚA

Niềm tin Kitô Giáo của các khoa học gia không phải là tình cờ đối với công việc nghiên cứu của họ. Đúng ra, các niềm tin này là những linh hứng dẫn dắt các khoa học gia. Kepler viết, “Tôi đã muốn trở thành một thần học gia. Tuy nhiên, giờ đây tôi mới thấy, bởi nỗ lực của tôi mà Thiên Chúa được tán dương qua thiên văn học.”

Là người nhiệt liệt hỗ trợ thuyết nhật tâm của Copernicus, Kepler chủ trương rằng vũ trụ có tâm điểm mặt trời là một hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, với mặt trời tượng trưng cho Thiên Chúa, các tinh tú và hành tinh tượng trưng cho Chúa Kitô, và chuyển dịch của các thiên thể tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.

Khi Kepler khám phá ra rằng các hành tinh không di chuyển theo vòng tròn nhưng theo hình trái Xoan cân xứng, ông bị một số người chỉ trích là khước từ sự mỹ miều của hoạch định tạo dựng của Thiên Chúa. Họ này lý luận rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ phải dùng các vòng tròn tuyệt hảo để bố trí sự vận chuyển của hệ thống hành tinh. Dựa trên đức tin Kitô Giáo sâu đậm, Kepler biết chắc rằng Thiên Chúa đã dùng đến một khuôn mẫu mỹ miều hơn, và ông đã phải vất vả để tìm hiểu. Khi khám phá ra đó là gì – ba định luật của ông về sự chuyển động của các hành tinh – ông đã cảm nghiệm một điều gì đó về hiển linh tinh thần. Kepler tuyên bố rằng định luật của ông cho thấy Thiên Chúa đã dùng một hệ thống đơn giản hơn nhiều và thanh lịch hơn hệ thống trước đây được mô tả trong hệ thống Ptolemaic của vòng tròn và ngoại luân.

Trong lời cầu nguyện kết thúc cuốn “The Harmony of the World”, Kepler đã xin Chúa “ban ơn để các minh chứng này có thể đưa đến sự vinh hiển cho Chúa và sự cứu rỗi các linh hồn.”

Các định luật của Kepler thừa nhận những tương giao kỳ lạ. Tỉ như, định luật thứ ba của Kepler nói rằng số bình phương thời gian của một vòng quay của hành tinh thì tỉ lệ với lũy thừa ba khoảng cách trung bình của nó đến mặt trời. Làm thế nào Kepler có thể tính toán ra được? Kepler biết được điều này vì ông tin rằng có mối quan hệ toán học mỹ miều được ẩn giấu ở đó và chờ đợi ông. Một phần của thiên hướng Kitô Giáo của ông là đi tìm điều đó và phổ biến để Thiên Chúa được vinh danh hơn. Sự thành công của Kepler dẫn đến sự nhận biết đáng kinh ngạc rằng động lực đức tin đôi khi có thể đưa đến những khám phá vĩ đại làm thay đổi lịch sử khoa học. Các khoa học gia thường tìm kiếm các mô hình và trật tự mới trong thiên nhiên, và họ dùng một điều dường như có vẻ khác thường để xác định xem họ có đi đúng đường hay không. Họ thường tự hỏi mối quan hệ ấy có “đơn giản” hay có “mỹ miều” không. Những mô hình nào quá nặng nề hay “xấu xa” thường bị tẩy chay dựa trên các nền tảng ấy. Tại sao? Bởi vì ngay cả một khoa học gia thế tục nhất cũng cho rằng các thực thể trong thiên nhiên thì không chỉ có thứ tự mà còn mỹ miều. Chính điều này là phần sót lại của Kitô Giáo về khoa học hiện đại. Nó là tiếng thì thào, nếu chúng ta nghe được, rằng ngay cả ngày nay khoa học của chúng ta dựa trên các nền tảng từ Kitô giáo. Ngay cả các khoa học gia thế tục không thể tránh khỏi các điều thừa nhận của Kitô Giáo, và một số người am tường nhất của họ đã công nhận điều này.

Einstein thú nhận rằng “trong bất cứ ai thực sự tìm kiếm thiên nhiên, đều có một loại sùng kính tôn giáo”. Nhà sinh học phân tử Joshua Lederberg (Nobel Y khoa 1958), nói trong tạp chí Science rằng :“Điều không thể bàn cãi là sự thôi thúc tôn giáo dẫn dắt chúng ta trong động lực duy trì việc tìm tòi có tính cách khoa học.” Sự thôi thúc đó bắt nguồn từ Kitô Giáo.