Từ năm 1068 lãnh thổ Việt Nam được mở rộng từ Quảng Bình (nhà Lý), đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (nhà Trần) và Phú Yên, Nha Trang đến Gia Đình và Đồng Bằng SCL (nhà Nguyễn)…
Thời Nhà Lý: Năm 1068, vua Vijaya là Rudravarman III (tức Chế Củ) tấn công Đại Việt để trả thù trận thua năm 1044. Một lần nữa vương quốc Champa bị thất bại và Đại Việt lại chiếm-phá kinh đô Vijaya (Bình Định ngày nay). Kinh đô Vijaya bị đốt phá một lần nữa vào năm 1069, khi tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy hải quân tấn công Champa và chiếm Vijaya. Vua Rudravarman bị bắt làm tù binh và sau đó đã đổi ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính lấy tự do.
Thời Nhà Trần: Khi nhắc đến lãnh thổ của champa ở vùng phía bắc, giáp ranh với đại việt. Chúng ta sẽ nhớ ngay đến sự kiện vua Chế Mân của champa dâng hai châu Ô và châu Lý tương đương với hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên cho vua trần để làm của hồi môn cưới công chúa Huyền Trân.Vị vua hùng mạnh cuối cùng của vương quốc Chăm Pa là Chế Bồng Nga. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1491), ông cai trị từ năm 1360 đến năm 1390. Ông tấn công vào Đại Việt nhiều lần.
Quân đội Chăm Pa đã đánh phá Thăng Long vào các năm 1372 và 1378 , nhưng không chiếm đất đai của Đại Việt. Vì người Champa chịu ảnh hưởng Ấn Độ Giáo, họ tôn vinh thức hệ chiến tranh chinh phạt chống ngoại bang, nhưng không bao giờ nghĩ đến chính sách chiếm đất đai của nước khác. Và Trong lần tấn công cuối cùng của Quân đội Chăm Pa vào lãnh thổ nhà Trần là vào năm 1389. Nhờ có mưu kế của tướng Nguyễn Đa Phương nên quân đội nhà Trần mới có thể rút lui bảo toàn lực lượng. Quân đội Chăm Pa dưới sự chỉ huy của Chế Bồng Nga theo hai đường thủy bộ tiến đến tận Hải Triều (khúc sông Luộc chảy qua huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay).
Tại đây, sau trận thủy chiến với Trần Khát Chân, Chế Bồng Nga đã tử trận. Đó là năm 1390. Đây là lần tấn công cuối cùng của quân đội Chiêm Thành vào Đại Việt nhưng cũng đã đủ để đặt dấu chấm hết cho nhà Trần.
Thời Nhà Lê:Năm 1470, quân Đại Việt do vua Lê Thánh Tông trực tiếp chỉ huy lại tấn công Chăm Pa. Quân Đại Việt lúc này đã rất mạnh và có tổ chức tốt. Ngược lại quân Chăm rất yếu và thiếu tính tổ chức. Đại Việt nhanh chóng đánh bại quân Chăm và bao vây Vijaya. Thành Vijaya thất thủ vào ngày 2 tháng 3 năm 1471 sau bốn ngày giao tranh. Vua Chăm là Trà Toàn bị bắt sống và chết trên đường chở về Thăng Long. Kinh thành Vijaya bị phá hủy hoàn toàn. Sau chiến thắng vua Lê Thánh Tông đã sáp nhập các địa khu Amaravati và Vijaya và lập nên thừa tuyên Quảng Nam.
Thời Kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh: Các chính sách của vua chúa Đại Việt, và nhất là công cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn Hoàng trong thời kỳ Trịnh –Nguyễn phân tranh đã khiến cho diện tích của Champa ngày càng “thu hẹp” và bại vong vào năm 1832. Do không đủ tiềm lực để tiến quân chống chúa Trịnh phương bắc, chúa Nguyễn chỉ còn cách phát động phong trào Nam Tiến về phía nam vì đất đai của đồng bằng Thuận Hóa quá chật hẹp.
Năm 1611 đánh dấu ngày xuất quân Nam Tiến đầu tiên của chúa Nguyễn. Quân đội Chúa Nguyễn đã vượt đèo Cù Mông ở phía nam Bình Định để tấn công Aia Ru (Harek Kah Harek Dhei) của Champa sau đó biến khu vực vừa mới chiếm đóng thành phủ Phú Yên.
Bốn mươi hai năm sau, chúa Nguyễn tiếp tục xuất quân chiếm Nha Trang vào năm 1653 và dời biên giới miền nam của mình đến Cam Ranh. Kể từ đó, Nha Trang trở thành hai đơn vị hành chánh của người Việt, đó là Thái Khang và Diên Khánh. Thế là vương quốc Champa chỉ còn vỏn vẹn trong khu vực Phan Rang và Phan Rí.Tiếp đó, chúa Nguyễn đánh chiếm lãnh thổ Cao Miên ở Biên Hòa.
Kể từ năm 1653, Champa trở thành một lãnh thổ hoàn toàn bị bao vây, ở phía bắc giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Cam Ranh và phía nam giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Biên Hòa. Sự cô lập Champa trong kể từ năm 1653 đã giải thích phần nào sự suy vong của Champa trong những năm kế đến. –
Cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh:
Hết đương đầu với chiến tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Champa bị lôi kéo vào một cuộc nội chiến khác giữa phong trào Tây Sơn ở Bình Định và Nguyễn Ánh trấn thủ ở Sài Gòn. Suốt 30 năm nội chiến, Tây Sơn biến Nha Trang thành khu vực địa đầu quân sự của mình, trong khi đó Nguyễn Ánh trấn thủ ở Gia Định. Hoàn cảnh địa dư này đã biến Champa thành một khu vực nằm giữa hai gộng kìm biên giới quân sự của Tây Sơn ở phía bắc và Nguyễn Ánh ở phía nam.
Thế là vương quốc Champa phải đón nhận hàng năm sự hiện diện quân đội viễn chinh của Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên lãnh thổ của mình. Lý do rất là giản dị, muốn tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Định, Tây Sơn phải làm chủ quân sự ở Champa (khu vực Phan Rang và Phan Rí) trước.
Về phía Nguyễn Ánh, muốn tấn công Tây Sơn ở Bình Định, Nguyễn Ánh phải xua quân chiếm đóng Champa trước tiên, sau đó mới có thể tiến quân đến Nha Trang được. Trong suốt cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, biên giới của vương quốc Champa hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ vì thiếu quân lực để phòng thủ. Thêm vào đó, mọi cơ cấu tổ chức chính trị và xã hội Champa hoàn toàn bị sụp đổ. Các tầng lớp lãnh đạo Champa chia thành hai phe nhóm (một theo Tây Sơn và một theo Nguyễn Ánh).
Vì rằng, một khi đã xâm chiếm Champa để làm cứ điểm quân sự, Nguyễn Ánh thành lập một chính quyền mới của vương quốc này tập trung những thành phần lãnh đạo thân cận với mình. Một khi tiến quân vào Champa, Tây Sơn lại ra lệnh thanh trừng gắt gao những phần tử người Champa theo Nguyễn Ánh để rồi thành lập một chính quyền khác theo Ý mình. Sự thay đổi liên tục chính quyền trong thời điểm đó đã đưa mọi cơ cấu tổ chức quốc gia Champa đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Nói tóm lại, Champa không còn tồn tại nữa với danh nghĩa là một quốc gia độc lập và tự chủ trong suốt cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh kể từ 1771 đến 1802.
Nội chiến giữa vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt – Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi với tôn hiệu là Gia Long. Để tri ân những chiến sĩ đã từng đấu tranh bên cạnh mình, Gia Long tái lập lại vương hiệu Champa. Thế là từ năm 1802, Champa không còn là một quốc gia độc lập nữa mà là một lãnh thổ tự trị đặt dưới quyền bảo hộ của triều đình Việt Nam và hưởng quyền che chở rất là đặc biệt của hoàng đế Gia Long và tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt được xem như là một ông phó vương ở miền nam thời đó.
Sau ngày từ trần của Gia Long vào năm 1820, hoàng đế Minh Mạng đưa ra chính sách cai trị hoàn toàn ngược lại với chủ trương của Gia Long. Minh Mạng xóa bỏ hoàn toàn chính sách ưu đãi dành riêng cho vương quốc Champa do Gia Long để lại và tìm cách ngăn chặn mọi ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt ở vương quốc này.
Nhân danh một nhà tướng có công trạng lớn lao trong chiến tranh chống Tây Sơn và lập rất nhiều công lao dưới thời Gia Long, Lê Văn Duyệt vùng dậy phản đối chính sách Minh Mạng và nhất quyết đứng ra bảo vệ vương quốc Champa.
Thế là sự khủng hoảng giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt bắt đầu bùng nổ và vương quốc Champa lại trở thành nạn nhân lần thứ 3 của cuộc chiến nội bộ giữa người Việt Nam thời đó.Vì quá thân cận với Lê Văn Duyệt, giai cấp lãnh đạo Champa thời đó không hoàn toàn phục tùng hoàng đế Minh Mạng nữa mà có ý theo Lê Văn Duyệt. Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mạng tiến quân vào Champa và sáp nhập hoàn toàn vùng đất này vào nước ta. Thế là năm 1832 đánh dấu ngày sụp đổ hoàn toàn vương quốc Champa…