ĐẾ CHẾ LA MÃ: SỰ CHUYỂN HƯỚNG SANG KITÔ GIÁO

Từ một đế chế bách đạo Ki Tô, đế chế La Mã đã chuyển mình sang ủng hộ và trở thành thánh địa của Ki Tô giáo ngày nay.
đế chế la mã

Từ một đế chế bách đạo Ki Tô, đế chế La Mã đã chuyển mình sang ủng hộ và trở thành thánh địa của Ki Tô giáo ngày nay.

I. ĐỐI KHÁNG VÀ KIÊN ĐỊNH CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ

Ngay từ những ngày đầu đi chinh phục ở thời cộng hoà, người Rome đã theo đuổi một chính sách dung hợp khá thoáng đối với nhiều tôn giáo của các dân tộc bị trị. Họ chỉ bắt buộc các tôn giáo đó bày tỏ một sự tôn kính chính thức trong những ngày lễ lớn với các vị chủ thần truyền thống của người Rome, và trong giai đoạn đế chế, là tôn kính cả các hoàng đế đã được Viện Nguyên Lão phong thần. Đó là điểm thống nhất các dị biệt trong đế chế, nhưng các Kitô hữu đã từ chối sự thoả hiệp với thuyết đa thần này. Cùng với đó, lối sống theo Tin Mừng của các Kitô hữu đã như một cái gai đâm vào lòng những người ở xung quanh: “Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng mà ai cũng phải nhận là khó tin… Họ lập gia đình và sinh dưỡng con cái như mọi người nhưng không phá thai. Họ ăn chung một bàn với nhau nhưng không chồng chung vợ chạ…” Thêm vào đó, người ta lại nhầm lẫn các cử hành Phụng vụ như Bí tích Thánh Thể và cử chỉ Trao bình an cho nhau trong thánh lễ của các Kitô hữu, là các hành vi vô luân.
Vì những lẽ trên, các Kitô hữu phải lãnh nhận sự bách hại từ chính quyền, nhưng không hoàn toàn chính thức mà chỉ bằng các chỉ dụ miệng từ các hoàng đế, và cung cách cấm đạo thì tuỳ theo phân định của các thống đốc tỉnh. Các cuộc bách hại bán chính thức đó có lẽ để nhằm kềm chế sự phát triển mau chóng của Kitô giáo cũng như bảo đảm cung cấp nạn nhân thường xuyên cho các đấu trường, nhưng không gây xung khắc quá căng thẳng trong xã hội Rome. Vào năm 250, Hoàng đế Decius ban bố chiếu chỉ cấm đạo chính thức đầu tiên trong đế chế, và việc bách hại đạo đã ngày càng tàn bạo dần theo thời gian.

II. DIOCLETIANUS VÀ HỆ THỐNG PHÒNG THỦ THỨ BA CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ

Năm 284, quân đội tại Tiểu Á đã tôn Diocletianus, một tướng lĩnh người gốc Illyria, lên làm hoàng đế. Giai đoạn thứ ba của hệ thống phòng thủ đế chế Rome đã diễn ra dưới thời Hoàng đế Diocletianus với chiến lược “phòng thủ theo chiều sâu”. Khi đó các dân tộc vùng biên cương đã kết lại thành các liên minh hùng mạnh đủ sức thách thức Rome, vì thế Rome phải phòng thủ ở mọi nơi, với các đợt triển khai quân khẩn cấp không ngừng. Hoàng đế Diocletianus nghĩ rằng các lãnh thổ mênh mông của đế chế sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu như có hơn một hoàng đế, nên vào năm 285 ông đã đưa thủ đô đế chế về Nicomedia ở Tiểu Á và đã đặt Maximianus làm đồng Hoàng đế cho mình ở phía tây, với thủ đô đặt ở Milan. Vào năm 293, để triệt tiêu điểm yếu chí tử của đế chế trong hệ thống kế ngôi, ông tạo ra vị trí caesar để phụ tá cho mình với quyền kế vị. Ông đặt Galerius làm caesar, đóng tại Thesalonia miền Thrace, làm phụ tá cho mình; đồng thời đặt Constantius Chlorus làm caesar cho Maximianus, đóng tại Trier, ngay trên biên giới sông Rhine. Quyền tối thượng của Tứ Chế Tetrarchy không bị phân chia mà nhân bốn: hai hoàng đế cùng thảo luật, hai caesar cùng thi hành; sự hiệp nhất trong đế chế vẫn tồn tại.
Do phải căng mình ra trên tất cả các đường biên giới, đế chế lúc đó không còn lượng quân dự trữ đủ lớn như trong hệ thống thứ hai để sẵn sàng tung ra trấn áp các lực lượng quân sự đối địch. Vì vậy Diocletianus đã xếp đặt lại hệ thống phòng thủ bằng cách áp dụng hệ thống hành chính hai tầng, với các thống đốc tỉnh bị mất quyền lực quân sự và các tỉnh bị sáp nhập thành 12 quân khu lớn: Britain, Gaul, Iberia, Italia, Africa, Illyria, Thrace, Macedonia, Asia, Pontus, Syria, Egypt; còn Rome là quân khu trung tâm. Quân đội được tái cấu trúc lại theo cách bố trí phòng tuyến của Hoàng đế Gallienus (253-268), với các quân đoàn biến thành lực lượng Biên phòng Limitanei, phân bổ vào các pháo đài được củng cố rất mạnh trên các tuyến biên giới. Cơ động hỗ trợ cho chúng là các lực lượng tinh nhuệ nằm trực tiếp dưới quyền của các hoàng đế và phụ tá, Cấm quân Comitatus, lực lượng vũ trang dự bị chiến lược đầu tiên trên thế giới, một phát minh khác của Hoàng đế Gallienus. Đội quân đánh thuê người gốc German vào thời kì đó đã trở thành một bộ phận thường xuyên có mặt trong quân đội Rome. Tổng quân số trên toàn đế chế lúc đó lên khoảng 600,000 quân, gấp đôi so với thời Augustus.

III. CUỘC BÁCH HẠI CUỐI CÙNG

Quân đội đông đảo cộng thêm bốn triều đình mới được thiết lập đã khiến gánh nặng thuế má đã trở nên không thể chịu nổi. Sự an toàn của đế chế được phục hồi nhưng sự oán thán của dân chúng lại tăng cao. Điều này có lẽ đã khiến Diocletianus lại có những suy nghĩ như Nero về các Kitô hữu, những người có lối sống khác biệt trong xã hội, để xem họ như những con dê tế thần. Hoặc do một khi đã tự xưng là Jovius, tức con của Jupiter, có thể ông cho rằng việc có những Kitô hữu nhất quyết không tôn kính ông như thần linh thì họ cũng là bất trung với hoàng đế. Dù sao đi nữa, vào năm 303, Hoàng đế Diocletianus đã tung ra cuộc thanh trừng quy mô nhất, thảm khốc nhất trong lịch sử Rome dành cho người Kitô hữu. Từ tháng hai năm 303 tới tháng hai năm 304, bốn sắc lệnh cấm đạo ban ra tới tấp.
đế chế la mã
Sắc lệnh thứ nhất cấm chỉ việc thờ tự, phá huỷ các đền thờ, tịch thu sách thánh và chén thánh, cách chức và hạn chế quyền công dân của các tín hữu. Sắc lệnh thứ hai truyền bắt tất cả các giáo sĩ, nó dẫn đến sắc lệnh thứ ba là tra tấn những người trung kiên và phóng thích những người chịu chối đạo. Sắc lệnh thứ tư, toàn dân phải dâng hương cho hoàng đế, ai không làm phải chịu tử hình hoặc khổ sai, sắc lệnh cuối cùng này nhằm truy bằng hết các tín hữu chưa bị tố cáo. Mức độ tàn bạo và dài ngắn của cuộc bách hại này tuỳ theo từng miền trong đế chế. Nhiều người đã anh dũng dùng máu của mình minh chứng cho tình yêu với Thiên Chúa, tiêu biểu trong số họ là hai vị thánh tử đạo người Rome, là Agnes và Caecilia. Thế nhưng đế chế thế kỉ IV đã khác thế kỉ I rồi, vì khi chính quyền bắt đạo thì dân chúng lại thông cảm cho các tín hữu.

IV. TÍNH GIÀ HOÁ NON

Khi kiệt sức, các hoàng đế đành chấp nhận thất bại. Vào ngày 1 tháng 5 năm 305, Diocletianus triệu tập hội đồng các tướng lĩnh của ông, cùng với các lực lượng thân cận và đại biểu từ các quân đoàn tại Nicomedia. Ông tuyên bố rằng ông cần phải giao trách nhiệm với đế chế cho ai đó trẻ trung và mạnh mẽ hơn. Ông ép Maximianus nhường ngôi cho Constantin Chlorus và cũng trao lại quyền bính cho Galerius. Sau đó Diocletianus lui về biệt điện Spalatum ven biển Adriatic ở quê nhà Illyria trồng bắp cải vui thú điền viên. Thế là, ông trở thành vị Hoàng đế La Mã đầu tiên tự nguyện thoái vị. Hẳn nhiên tiếng nói của ông vẫn được tôn trọng trên toàn đế chế, và bước lùi của ông là để quan sát xem hệ thống kế ngôi trong Tứ Chế của mình sẽ hoạt động như thế nào.
Phần lớn các tướng lĩnh nghĩ là họ biết chuyện sẽ xảy ra tiếp theo quyết định thoái vị của Diocletianus: Constantinus và Maxentius, những người con trưởng thành của các hoàng đế mới và từ lâu đã được chuẩn bị cho việc kế vị cha mình, hẳn sẽ được tôn làm caesar. Nhưng theo sắp xếp của Diocletianus, Constantius Chlorus (Tây) và Galerius (Đông) sẽ tiếp quản hai vị trí quyền lực cao nhất, còn các caesar mới sẽ là Flavius Severus (Tây) và Maximinus Daia (Đông). Những người con được các quân đoàn của các vị chủ tướng ủng hộ đã hoàn toàn bị quên lãng trong việc truyền ngôi, và đó chắc chắn không phải là một điềm lành cho Đệ nhị Tứ Chế. Hẳn nhiên, Maxentius và Constantinus sức mấy chịu ngồi im nhìn người ta ngồi lên ngai cha mình.
Tháng bảy năm 306, khi Constantius đột tử tại Eboracum trên đảo Anh, quân đội của ông nhanh chóng tôn cậu quý tử Constantinus lên ngôi hoàng đế. Chỉ ba tháng sau tại Italia, với sự hậu thuẫn của cựu hoàng Maximianus cha mình, Maxentius cũng tuyên bố mình mới là hoàng đế Rome. Vị caesar Flavius Severus, người đáng ra được lên ngôi hoàng đế chiếu theo hệ thống kế ngôi của Tứ Chế, dẫn quân tiến đánh Maxentius, nhưng bại trận và chết năm 307. Đế chế lại sôi lên sùng sục, buộc cựu hoàng Diocletianus phải rời bỏ biệt điện Spalatum để đi giàn xếp những cái đầu nóng của các hậu bối.
Vào ngày 11 tháng 11 năm 308, Diocletianus chủ toạ hội nghị Carnuntum để dàn xếp mọi chuyện. Ông khuyên cựu hoàng Maximianus, người đang toan tính trở lại nắm quyền sau khi thoái ngôi, nên tránh hẳn chuyện tranh đoạt quyền lực. Tại hội nghị Carnuntum, hai vị trí quyền lực bên Đông vẫn giữ nguyên. Còn bên Tây, hội nghị phong Licinius làm hoàng đế mới ở phía Tây thay cho Severus, nhưng lại nắm các Illyria, Pannonia cùng với Thrace, một tỉnh vốn thuộc nửa đế chế phía đông. Còn Constantinus chấp nhận bị giáng xuống làm caesar, vẫn cai quản đảo Anh, Iberia, xứ Gaul và nắm các quân đoàn thiện chiến ở tuyến biên giới sông Rhine. Italia vẫn thuộc quyền quản lý của Maxentius. . Tại Carnuntum, dân chúng van nài Diocletianus trở lại ngai vàng, nhưng ông từ chối, để rồi ba năm sau ông được chết trên giường bệnh. Còn Đệ tam Tứ Chế do ông xếp đặt, cuối cùng cũng vắn số và kết thúc trong tơi bời khói lửa.

V. VỚI DẤU HIỆU NÀY NGƯƠI SẼ CHIẾN THẮNG

Năm 311, Hoàng đế Galerius băng hà, Maximinus Daia trở thành hoàng đế, còn phần đất của Galerius được chia đôi, Maximinus Daia lấy những vùng đất thuộc châu Á còn Licinius lấy những vùng đất thuộc châu Âu trên bán đảo Balkans. Maximinus Daia đã ra lệnh tiếp tục bách hại các Kitô hữu. Một liên minh sau đó giữa Maximinus Daia và Maxentius đã buộc Constantinus và Licinius phải thiết lập một thỏa thuận chính thức với nhau. Sau đó, Constantinus tiến đánh Maxentius tại Italia, và đến tháng mười năm 312 đã đánh bại và giết chết đối thủ tại cầu Milvian, cửa ngỏ vào thành Rome. Trước trận đánh, tương truyền Constantinus mơ thấy biểu tượng Chi-Rho của Kitô giáo cùng với khẩu hiệu đi kèm theo “In Hoc Signo Vinces” (Với dấu hiệu này, ngươi sẽ chiến thắng) và đã ra lệnh cho quân sĩ khắc nó lên khiên.
Một vấn nạn lịch sử đặt ra là có nên tin rằng ngay từ trận chiến khốc liệt tại cầu Milvian, quân đội của Constantinus đã mang biểu tượng Kitô giáo trên các tấm khiên hay không? Câu chuyện này được thêm thắt dần dần qua một truyền thuyết đã được nghe đi kể lại giữa một triều đình Kitô giáo các năm 318-320, nghĩa là khoảng sáu năm sau sự kiện. Quả thực, khó mà rút ra được từ những sử liệu này cái cốt lõi của sự thực, lý do là vì phần lõi đó đã được bao bọc trong nhiều lớp vỏ: nỗ lực muốn thu hút người ta vào Kitô giáo, lối lý tưởng hoá hoàng đế, cũng như sự phấn chấn hồ hởi trước một chiến thắng khó tin. Với sự khôn ngoan, chúng ta không nên vội theo đuổi một đối tượng khó lòng kiểm chứng. Đối với lịch sử, điều quan trọng không phải là những xác tín nội tâm của Constantinus nhưng là đường lối chính trị của ông, và đây mới là điều chúng ta có thể xác định thấu đáo được.
đế chế la mã

VI. CONSTANTINUS VÀ CÚ XOAY TRỤC NGOẠN MỤC CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ

Tháng hai năm 313, Constantinus hội kiến Licinius tại Milan, và liên minh giữa hai vị càng thêm sâu đậm khi Licinius cưới Constantia, em gái Constantinus. Chính ở đó, hai vị đã cùng nhau kí Chiếu chỉ Milan, cho phép các Kitô được tự do cử hành thánh lễ và trả lại tức khắc cho họ các nhà cửa và tài sản đã bị tịch thu. Kể từ đó, cuộc đua giữa hai vị là giành cho được nhân tâm của người Kitô hữu, vì họ đã chứng tỏ mình có một cơ cấu tổ chức hiệu quả và một sự kiên tâm đến liều mạng trong chiến đấu.
Cuộc hội kiến bị cắt ngắn khi có tin tức Hoàng đế Đông phương là Maximinus Daia đã vượt qua Bosporus và tiến vào lãnh thổ của Licinius. Tháng sáu năm 313, Licinius đánh tan tác đạo quân của Maximinus Daia dám xâm phạm Tây Phương rồi thừa cơ tiến lên đánh tràn qua Đông phương. Maximinus thua trận tự tử tại Tarsus, Licinius thành hoàng đế nửa đế chế phía đông. Ông yêu cầu các tổng đốc bên Đông trả lại cho các cộng đồng Kitô giáo các của cải và nơi thờ tự của họ, cùng“cho người Kitô hữu cũng như mọi người sống tự do và có khả năng lựa chọn tôn giáo họ muốn”.
Hoàng đế Constantinus còn o bế Kitô giáo hơn thế. Ông biết con đường thăng tiến quyền lực của ông không thể chỉ dựa vào việc sở hữu kinh thành Rome hay sự ủng hộ của Viện Nguyên Lão và quân đội, mà hơn hết, là phải nhờ sự đồng hành với tôn giáo mới đang lên này. Ngay từ năm 314, ông đã nhượng lại cung điện Lateranus cho Giáo Hoàng Sylvester I và miễn trừ thuế má cho hàng giáo sĩ. Các biểu tượng Kitô giáo xuất hiện trên đồng tiền Rome năm 315 là minh chứng cho quan điểm chính thức của chính quyền và là công cụ tuyên truyền hoàn hảo. Cùng với đó là các biện pháp kềm hãm các tập tục ngoại giáo: năm 318 có lệnh cấm các cuộc bói toán cúng tế tư gia, năm 323 các hình ảnh ngoại giáo bị dỡ bỏ ở nơi công cộng. Các Kitô hữu lần lượt được bổ nhiệm vào các vị trí quyền lực nhất: chức đô trưởng Rome năm 325, chức trưởng quan pháp đình năm 329. Một điều quan trọng hơn hết, là tuy bản thân chỉ nhận phép Rửa Tội khi nằm trên giường hấp hối, nhưng Constantinus đã cho các con mình theo Kitô giáo ngay từ nhỏ. Và ông đã để lại cho con cháu không chỉ một nửa đế chế, mà nguyên vẹn đế chế Rome.

VII. TÁI THỐNG NHẤT ĐẾ CHẾ

Năm 314, một cuộc xung đột nhỏ giữa hai hoàng đế tại Cibalae, với kết quả là Licinius phải nhượng lại vùng bán đảo Balkans cho Constantinus. Họ đụng độ lần nữa ở trận Campus Ardiensis năm 317, và đi tới thỏa thuận rằng hai con trai của Constantine là Crispus và Constantinus II, và con trai của Licinius là Licinianus sẽ được phong caesar. Những chuyện này chưa làm cho Licinius thay đổi thái độ với người Kitô hữu. Nhưng rồi khi tình hình xung đột leo thang, thì Constantinus càng tỏ ra thân thiện với Giáo Hội chừng nào thì Licinius lại càng tỏ ra lạnh nhạt bấy nhiêu. Năm 320, Licinius gạt các Kitô hữu ra khỏi hệ thống quyền lực triều đình, và ban hành các biện pháp gây rắc rối cho giáo dân, nếu như muốn nói là ông bắt đạo, vì ông nghi ngờ giáo dân có cảm tình với đối thủ chính trị của ông hơn. Những động thái đó của Licinius đã thách thức Constantinus ở phía tây, mà hệ quả là một loạt cuộc chiến nổ ra vào năm 323. Giành được chiến thắng chung cuộc, Constantinus trở thành hoàng đế duy nhất của toàn bộ đế chế Rome.
Năm 324, Hoàng đế Constantinus thiết lập một thủ phủ mới mang tên ông cho miền đông đế chế. Nó nằm tại vị trí thành cổ Byzantium của người Hi Lạp, trên bờ tây eo biển Bosphorus, một vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, đồng thời cũng án ngữ hải trình từ Hắc Hải vào Địa Trung Hải. Ngay từ đầu, thành Constantinopolis đã là một thành phố Kitô giáo với những nhà thờ lớn được xây theo lệnh Constantinus. Vị trí hiểm yếu cùng với các bức tường thành đồ sộ bao bọc xung quanh khiến cho nó trở thành điểm phòng thủ rồi sẽ đứng vững trước làn sóng chư dân trong thế kỉ tiếp theo.

VIII. CÁI THIÊNG VÀ CÁI PHÀM

Qua biết bao máu lửa, Hoàng đế Constantinus đã thống nhất lại đế chế Rome về một mối. Ông đã tìm hậu thuẫn ở tôn giáo mới, có lẽ do nhận thấy giáo thuyết độc thần của Ki tô giáo như một công cụ tuyệt vời để tập trung quyền bính vào một tay ông. Sức mạnh Giáo Hội nâng đỡ ông, và trong Giáo Hội ấy, ông thấy vai trò quan trọng của mình. Tuy chưa được Rửa Tội, những không những tự coi mình như người nhà, mà từ từ ông còn tự coi mình là giám mục đời. Ông tuyên bố với các vị lãnh đạo Giáo Hội: “Quý ngài là Giám mục của những người ở trong Giáo Hội, tôi đây được Thiên Chúa đặt làm giám mục của những người ở ngoài”. Do đó, Hoàng đế Constantinus tự cho mình có quyền và có nhiệm vụ sắp xếp các công vụ trong Giáo Hội. Vậy, khi tiến vào Đông phương, được nghe về một cuộc tranh luận tín lý nảy lửa xuất phát từ thành Alexandria và đã lan rộng khắp miền Đông, ông tuyên bố tập họp tất cả các giám mục trong đế chế về thành Nicea để bàn một lần cho sáng tỏ vấn đề.
Cuộc tranh luận tín lý từ Alexandria không phải là cuộc đầu tiên mà chỉ là mới nhất trong hàng loạt sự vụ tương tự đã diễn ra trong ba thế kỉ phát triển của Kitô giáo, dù rằng nó đúng là cuộc tranh luận lớn nhất cho đến lúc đó. Những bàn cãi về đức tin trong ba thế kỉ đầu chưa có vụ nào lan rộng khắp Giáo Hội, và thường được giải quyết theo kiểu anh em trong nhà bảo nhau, tương ứng với tình hình Dân Chúa đang còn bị chính quyền bách hại ít nhiều. Nhưng khi Kitô giáo đã chuyển mình thành một thành phần nổi trội trong đế chế, mọi chuyện giờ đây phải được dàn xếp bằng một công cụ mới thích ứng với tình hình mới: Công đồng hoàn vũ…
Lạc Vũ Thái Bình – Mary D. Han
Huế – Sài Gòn, 10-2021
Thư mục tài liệu tham khảo
CHAMBERS Mortimer, Lịch sử văn minh Phương Tây, Văn hoá thông tin, 2004.
DANIELOU Jean, Tân lịch sử Giáo Hội tập 1, không đề nxb, 2002.
DK và Viện Smithsonian, Lịch sử thế giới, Dân trí, 2017.
KAPLAN Robert, Sự minh định của địa lý, Hội nhà văn, 2017.
RODGERS Nigel, Rome đế quốc hùng mạnh nhất, Phụ nữ, 2008.
THOẠI Nguyễn Thế, Giáo hội đi trong nhân loại, không đề nxb, 1991.
THOẠI Nguyễn Thế, Giáo phụ học, không đề nxb, 2008.
TURCHIN Peter, Sự thăng trầm của các đế chế, Từ điển bách khoa, 2012.