“Giao thừa” chưa hẳn là một tác phẩm xuất sắc tột bậc của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng có những truyện ngắn bật lên và rất đáng thưởng thức.
Also in This Issue
Giao thừa – đôi nét về tập truyện
“Giao thừa” là một tập truyện ngắn với 17 chương là 17 câu chuyện, 17 cuộc đời đầy bất hạnh nhưng vẫn “ngoi ngóp sống” dẫu có bao ngang trái. Là chú Đời mù lòa tăm tối nhưng vui vầy bên gia đình bé con; là Lương “khùng” chèo đò nhưng yêu người con gái anh thương tha thiết; là Hết nghèo xơ nghèo xác nhưng “đưa con chốt qua sông” mà nước mắt chảy xuôi và còn là vô vàn những con người khác nữa.
Con Như chạy lại ôm má nó, nó nghĩ chắc chú Đời giả bộ đây, trông con Ý thấy mồ mà không chịu dậy. Nó chọc lét vô mấy cái xương sườn của chú, nhưng chọc mãi, chọc mãi, chú không bao giờ thức nữa.
Làm gì có chuyện đời như ý?
Trích ‘Đời Như Ý’ của NNT
Tác phẩm gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở về những con người, những nhân vật ẩn hiện trong từng mẩu chuyện, từng tác phẩm. Với văn phong đặc trưng của Nguyễn Ngọc Tư, từng truyện ngắn đã được khắc họa một cách chi tiết, sâu sắc đến mức khó ngờ. Tác giả đặc biệt chú ý đến việc phân tích nội tâm nhân vật, khắc họa tính cách nhân vật, dựng một cốt truyện logic, đảm bảo xuyên suốt chiều dài tác phẩm.
Dường như cô Tư sinh ra để đem ngòi bút của mình giãi bày cho những kẻ khốn khổ, những con người bất hạnh, khiến độc giả không khỏi chạnh lòng. Nhưng cái tài của cô đó là viết ra những tâm sự chất chứa của mọi người, dường như đọc truyện của cô thấy mình ở trong đó, cô đơn và mong manh đến tội nghiệp.
Cũng như “giao thừa” là thời điểm đứng giữa cái cũ và cái mới, từng truyện từng truyện trong tuyển tập này đều là một bức tranh còn dang dở vẽ nên những phận người “mắc kẹt” giữa dòng đời, tới không được mà lui cũng không xong. Những sợi dây tình dây duyên bị cắt đứt rồi không cách nào nối lại được, khiến người ta cứ mãi loay hoay mà lỡ dở một đời.
Đôi nét về tác giả Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư là một tác giả sinh ra ở đất mũi Cà Mau và có giọng văn đậm chất “miền Tây” – cái giọng văn giản dị, mộc mạc chất phác như chính con người nơi đây. “Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng vậy: giản dị, ấm áp, đậm chất Nam Bộ. Nhiều truyện rất cảm động, đọc mà ứa nước mắt vì xót xa. Nhưng dù thế nào thì các truyện cũng vẫn luôn giữ nguyên giọng văn mộc mạc, không cầu kỳ trau chuốt mỹ lệ, khiến người đọc cảm thấy gần gũi, đôi khi cảm thấy như đó là phong vị quê nhà, qua những trang sách của Nguyễn Ngọc Tư mà đến với người đọc. Nếu như Ngô Tất Tố chuyên viết truyện làng quê Bắc Bộ, Vũ Bằng viết về phố phường, văn hóa Hà Nội, thì Nguyễn Ngọc Tư lại ghi dấu ấn của mình ở miệt vườn Nam Bộ.” Tôi thấy một độc giả đã nhận xét về tác phẩm của cô Tư như thế.
“Giao thừa” là tác phẩm thứ ba trong sự nghiệp văn học của cô, sáng tác năm 2003 và tái bản vào năm 2012.
Đọc thêm: