𝐍𝐠𝐮𝐲ê𝐧 𝐦ẫ𝐮 Độ𝐜 𝐂ô 𝐂ầ𝐮 𝐁𝐚̣𝐢 𝐧𝐠𝐨𝐚̀𝐢 đ𝐨̛̀𝐢 𝐭𝐡𝐚̣̂𝐭

Ông lập kỷ lục bất khả chiến bại trong suốt cuộc đời mình. Theo số liệu có 61 trận tỉ thí. Ba năm sau sau chiến thắng đầu tiên, mới 15-16 tuổi, vào tuổi trẻ trâu Musashi hạ sơn hành tẩu giang hồ thách đấu thiên hạ.

Những ai hồi trẻ mê mẩn đọc truyện chưởng hẳn rất thích nhân vật Độc Cô Cầu Bại, một nhân vật huyền thoại không được mô tả chi tiết nhưng lại được nhắc tới nhiều lần trong rất nhiều bộ tiểu thuyết khác nhau của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung như Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký, v..v.. Độc Cô Cầu Bại “Độc đoán Cô đơn Cầu mong Bại trận” được coi là đệ nhất cao thủ võ thuật trong giang hồ.

Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, nhân vật Độc Cô Cầu Bại thành danh từ trẻ, mới hai mươi đã danh chấn giang hồ, làm kiếm khách hành tẩu khắp cõi Trung Nguyên mong tìm kiếm được cao thủ để tỉ thí. Bỏ kiếm thép dùng mộc kiếm Độc Cô Cầu Bại vẫn đánh bại nhiều đại cao thủ, khi đạt tới cảnh giới và danh chấn thiên hạ chàng quy ẩn giang hồ.

Trong lịch sử võ thuật Trung Nguyên không có nhân vật nào như thế, rất có thể nguyên tác nhân vật Độc Cô Cầu Bại ngoài đời chính là Lãng nhân kiếm khách Nhật Bản Miyamoto Musashi, ngay cả chi tiết “vô chiêu thắng hữu chiêu” cũng có vẻ lấy cảm hứng từ việc phê phán các môn phái khác của Miyamoto Musashi

Nhật Bản là một nước đồng văn. Từ thế kỷ 18, Ngũ Luân Thư của Miyamoto Musashi đã xuất hiện ở Trung Quốc. Trong suốt thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, danh tiếng Miyamoto Musashi đã không chỉ nổi tiếng ở Nhật bản mà lan ra khắp thế giới thông qua câu chuyện và hình ảnh những Samurai đeo kiếm được cử ra nước ngoài học để về duy tân đất nước.

Vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Trung Hoa, có bộ trường thiên tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng Giang hồ kiếm khách Musashi (宮本武蔵 Miyamoto Musashi – Cung Bản Vũ Tàng ) nổi tiếng của nhà văn Nhật Bản Yoshikawa Eiji.

Truyện kiếm hiệp này đầu tiên cũng chỉ được đăng trên báo Asahi nhiều kỳ theo kiểu “muốn biết chuyện gì xảy ra với kiếm khách lãng nhân hồi sau sẽ rõ” từ ngày 23 tháng 8 năm 1935 đến ngày 11 tháng 7 năm 1939. Một số báo Việt ngữ ở Việt Nam thời kỳ mới có báo quốc ngữ cũng hay có truyện dài kỳ kiểu vậy giống như phim bộ hay series phim truyền hình sau này để câu khách. Sau đó Giang hồ kiếm khách Musashi được in thành sách và trở thành bộ tiểu thuyết gối đầu giường cho bao thế hệ Nhật Bản, và cũng là một trong những bộ kiếm hiệp bán chạy nhất tại Nhật, sau đó được làm thành phim, truyện tranh Manga, Anime, và cả trò chơi điện tử. Nhiều bạn trẻ ngày nay biết đến tay kiếm Musashi có lẽ nhờ game, Manga với Anime.

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung sinh năm 1924, lớn lên trong thời kỳ Nhật bản bá chủ Trung Hoa. Truyện kiếm hiệp của ông lần đầu tiên xuất bản cũng là đăng trên báo, sau đó mới tổng hợp lại in thành sách và các bộ thiên tiểu thuyết kiếm hiệp sau được dựng thành phim. Năm 1955, nhà báo Tra Lương Dung đăng tập đầu tiên Thư kiếm ân cừu lục, trên Hương Cảng Tân Báo với bút danh Kim Dung.

Quay trở lại nguyên mẫu nhân vật ngoài đời, Kiếm Thánh (剣聖, Kensei) Miyamoto Musashi từ 7 tuổi sống trong chùa, tụng kinh ngồi thiền, 13 tuổi đã đánh bại một Samurai bằng một cây kiếm gỗ.

“Trận quyết đấu đầu tiên là năm ta mười ba tuổi, ta từng đánh bại một kiếm thủ thuộc Thần đạo lưu (Shinto-ryū) có tên là Arima Kihei. Năm mười sáu tuổi, ta đánh bại một võ sĩ tài ba là Tadashima Akiyama, người tới từ tỉnh Tajima. Năm hai mươi một tuổi, ta lên kinh thành Kyōtō, giao đấu với đủ loại kiếm khách và chưa từng nếm mùi thất bại.” Miyamoto Musashi tự thuật trong Ngũ luân thư

Ông lập kỷ lục bất khả chiến bại trong suốt cuộc đời mình. Theo số liệu có 61 trận tỉ thí. Ba năm sau sau chiến thắng đầu tiên, mới 15-16 tuổi, vào tuổi trẻ trâu Musashi hạ sơn hành tẩu giang hồ thách đấu thiên hạ. Ông tham gia trận đánh Sekigahara nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, cá nhân ông không thua nhưng phe ông bại trận, ông trở thành Lãng nhân (浪人, Ronin – là Samurai vô chủ). Vào thời kỳ đó các Ronin thường bị truy sát và ông buộc phải thay tên đổi họ mai danh ẩn tích giang hồ. Sau nhiều năm lang bạt kỳ hồ, khai đao là đầu rơi máu chảy, dường như ngộ ra điều gì đó, Musashi từ bỏ kiếm thép, chỉ dùng kiếm gỗ và không hạ sát đối phương sau mỗi trận tử chiến nữa. Ông tập trung vào tu tâm dưỡng tính, nghiên cứu Phật pháp, thiền đạo, viết kiếm phổ và thư pháp và hội hoạ. Nhiều bức chân dung ông ngày nay được cho là tự hoạ. Từ kiếm sĩ người tạo ra trường phái song kiếm nhị thiên nhất (二天一), ông đã trở thành một nghệ sĩ, thiền sư, nhà điêu khắc, thư pháp tài hoa. Những ghi chép cũng cho thấy ông có các kĩ năng trong lĩnh vực khác như kiến trúc, “người giám sát thi công,” giúp xây dựng lâu đài Akashi, và vào năm 1621 đã thiết lập tổ chức bộ máy hành chính của thị trấn Himeji. Các tác phẩm của ông có Độc Hành Đạo (獨行道 Dokkōdō), Ngũ luân thư (五輪書 Gorin no Sho ). Ngũ Luân Thư chỉ là một tàng thư kiếm phổ nhưng ngày nay được đánh giá cao không chỉ ở Nhật Bản mà cả ở phương Tây, ở nhiều phương diện như chiến lược, kinh doanh, giáo dục. Người phương Tây cho rằng đây chính là bí quyết thành công của các doanh nghiệp Nhật bản, là tinh thần của mỗi người Nhật. Tờ Time còn nhận xét “Khi Musashi lên tiếng, cả phố Wall im lặng”.

Ảnh :

𝑀𝑖𝑦𝑎𝑚𝑜𝑡𝑜 𝑀𝑢𝑠𝑎𝑠ℎ𝑖 𝑣𝑜̛́𝑖 đ𝑜̂𝑖 𝑠𝑜𝑛𝑔 𝑘𝑖𝑒̂́𝑚 𝑔𝑜̂̃ 𝐵𝑜𝑘𝑘𝑒𝑛, 𝑡𝑟𝑎𝑛ℎ 𝑘ℎ𝑎̆́𝑐 𝑔𝑜̂̃ 𝑚𝑜̣̂𝑐 𝑏𝑎̉𝑛 𝑐𝑢̉𝑎 𝐷𝑎𝑛ℎ ℎ𝑜𝑎̣ đ𝑎̣𝑖 𝑠𝑢̛ 𝑈𝑡𝑎𝑔𝑎𝑤𝑎 𝐾𝑢𝑛𝑖𝑦𝑜𝑠ℎ𝑖